LSVNO - Hiếm có vụ việc khiếu nại nào từ đơn giản lại trở thành phức tạp và dù tình tiết vụ việc đã rõ như “ban ngày”, mà tới 10 năm qua vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng như trường hợp của công dân Phạm Ái Phúc (SN 1967, trú tại 530 Văn Tiến Dũng, Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng).
Kỳ một: Nhiều nghi vấn xung quanh dấu vết tẩy xóa sửa chữa đơn cũng như dấu hiệu bất thường trong đơn, HĐ chuyển nhượng QSDĐ đất
Bán đất không văn tự?
Theo trình bày của ông Phạm Ái Phúc thì vào năm 2004, ông nhận quyền thừa kế 2.270m2 tại thửa số 37, tờ bản đồ số 13 (Giấy chứng nhận số 5310/QSDĐ). Năm 2008, ông viết giấy bán cho ông Nguyễn Xuân Vịnh 1.000m2 đất với giá thỏa thuận 470 triệu đồng (chỉ mới nhận cọc 30 triệu đồng).
Sau đó, ông Vịnh và ông Nguyễn Hữu Hải đã mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số 5310 của ông Phúc để đi xin xác nhận quy hoạch. Khi ông Hải trả lại GCNQSDĐ thì ông Phúc phát hiện có thêm trang bổ sung với nội dung: “Chuyển đổi mục đích 1.050m2 đất vườn thành đất ở và tách thành 8 thửa để chuyển nhượng lần lượt cho các ông, bà: Nguyễn Xuân Vịnh (5 thửa), Hòa Tăng Ý (2 thửa) và Mai Thị Xuân Trang (1 thửa)”.
Tuy nhiên, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất và tách thành 8 thửa đất không do ông Phúc làm, chữ ký trong các đơn đề nghị chuyển mục đích và đơn đề nghị tách thửa đều không phải là chữ ký của ông Phúc.
Ngoài ra, 648m2 đất vườn của ông Phúc trong GCNQSDĐ cũng bị chuyển đổi mục đích và tách thành 6 thửa, chuyển nhượng cho các ông, bà: Phan Hữu Mười A, Kim Thị Ngọc Hoa, Phạm Văn Hải, Võ Thị Liên; tặng 1 thửa cho Phạm Văn Hoàng Linh và 1 thửa tặng ông Phạm Văn Hòa và Phạm Văn Hoàng Linh.
Như vậy, tổng cộng có 14 thửa đất được tách từ GCNQSDĐ của ông Phúc, trong đó có 13 thửa đã có GCNQSDĐ cho những người có tên nêu trên; còn 1 thửa tặng cho 2 ông Hòa và Linh với diện tích 192,0m2 chỉ mới có hợp đồng. Song, ông Phúc cho biết không hề có đơn đề nghị tách thửa, hợp thửa, không có đơn đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất tại Phòng Tài nguyên Môi trường quận Cẩm Lệ đối với 13 bộ hồ sơ tách thửa đất nói trên.
Riêng hồ sơ thửa đất tặng cho ông Hòa và Linh, ông Phúc cho rằng đã bị làm giả toàn bộ, từ sơ đồ tách thửa để chuyển quyền sử dụng đất cho đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất...
Ông Phạm Ái Phúc cho rằng, đây chính là hành vi giả mạo của cán bộ địa chính Phường Hòa Xuân câu kết với Phòng Tài nguyên Môi trường, nhằm hợp thức hóa hồ sơ thu hồi đất của ông cấp cho bà Võ Thị Liên. Tháng 8/2015, ông Phúc đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng và báo chí .
Ông Phạm Ái Phúc chỉ ra dấu hiệu gian dối.
Tẩy xóa gian lận vẫn được cho là… bình thường?
Bài viết trên báo Công an Đà Nẵng ngày 11/9/2015 với tiêu đề “Cần làm rõ nghi vấn giả chữ ký của chủ đất để chuyển nhượng trái phép”, có nội dung: “Ngày 01/9/2015, trao đổi với P.V Báo Công an Đà Nẵng, ông Đinh Thanh, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cẩm Lệ cho biết: Thứ nhất, việc trong đơn đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất ký ngày 03/4/2008 có sự tẩy, sửa 1.000m2 thành 1.050m2 (phần ghi chú ghi rõ: "không tẩy xóa, sửa chữa nội dung đã viết"); ông Thanh cho rằng, nguyên tắc thì không được tẩy xóa nhưng trong trường hợp này thì chấp nhận được. Vì, sau khi đo đạc diện tích đất để tách thành 8 thửa thì tổng diện tích là 1.050m2 chứ không phải 1.000m2 nên việc sửa này không ảnh hưởng gì(!).
Thứ hai, trong đơn đề nghị để trống (thường là người đề nghị ghi thông tin cần thiết) nhưng phần kết luận được ghi cụ thể là tách 6 thửa; ông Thanh cho rằng, khi cán bộ về khảo sát thực tế đo đạc tách thành mấy thửa mới ghi vào phía sau như vậy, không có gì gọi là sai sót của cán bộ hết, việc làm này cũng bình thường(?). Còn về nghi vấn giả mạo chữ ký của ông Phúc để hoàn chỉnh hồ sơ đất thì ông Thanh cho biết, cứ đề nghị được giám định sẽ rõ.
Qua tham khảo ý kiến của một số luật sư về vụ việc trên, các luật sư đều cho rằng, đối với đơn đề nghị tách thửa, Phòng Tài nguyên và Môi trường phải căn cứ vào nội dung đề nghị của người xin tách thửa, hợp thửa làm cơ sở để thực hiện đo đạc theo đề nghị. Ở đây, phần đề nghị để trống nhưng phần kết luận của Phòng Tài nguyên Môi trường quận Cẩm Lệ lại ghi tách thành 6 thửa là không hợp pháp, không đúng thủ tục và không hợp lệ. Như vậy, câu trả lời của ông Thanh về 2 vấn đề nêu trên chưa thật thỏa đáng”.
Đọc đến đây, nhiều người thật sự ngạc nhiên về sự mâu thuẫn ngay trong lời của ông Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường: “Nguyên tắc thì không được tẩy xóa nhưng trong trường hợp này thì chấp nhận được” (?).
Trong thực tế, không có một quy tắc nào riêng cho loại văn bản hành chính mang tính pháp quy có quyền được tẩy xóa, sửa chữa; huống gì đây đơn của đương sự liên quan đến tài sản thuộc quyền sở hữu cá nhân và người sửa chữa lại không phải chủ sở hữu tài sản đó.
Phải chăng, ông Đinh Thanh đã cố tình nhập nhèm từ “nguyên tắc” ở chỗ này? Và chính sự nhập nhèm không minh bạch, thiếu tôn trọng chủ sở hữu nên ông Phúc bị mất oan 1200m
Kỳ 2: Đơn chồng đơn, văn bản kế tiếp văn bản nhưng vụ việc vẫn chưa được xử lý
Suốt 10 năm qua, ông Phạm Ái Phúc (SN 1967, trú tại 530 Văn Tiến Dũng, Hòa Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) liên tục khiếu nại nhưng vẫn không đòi lại được đất, kẻ giả mạo văn tự của chủ đất vẫn ở ngoài vòng pháp luật. Vậy ai cố tình ngăn cản để vụ việc kéo dài?
Chữ ký giả, văn bản giả đã được làm sáng tỏ
Ngày 07/5/2013, sau một năm nhận đơn của ông Phạm Ái Phúc, UBND quận Cẩm Lệ ra Văn bản số 119/TB-UBND thông báo kết quả giải quyết đơn tố cáo.
Theo kết quả giải quyết đơn tố cáo: “Ông Phúc tố cáo hành vi của cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường, cán bộ địa chính phường Hòa Xuân như nội dung đơn nêu trên là không có cơ sở. Riêng nội dung ông Phúc không thừa nhận các chữ ký Phạm Ái Phúc, Trần Thị Lan trong hợp đồng tặng, cho quyền sử dụng đất là của ông, vợ ông, mà chỉ thừa nhận chữ ký tại ô "người chuyển nhượng" trong Sơ đồ tách thửa để chuyển quyền sử dụng là chữ ký của ông và vợ ông.
Ngày 23/10/2012, Công an quận Cẩm Lệ có Công văn số 1209/CV-CAQ báo cáo theo kết luận giám định số 113/GĐ-HS (ngày 18/10/2012) của Phòng kỹ thuật hình sự (Công an TP. Đà Nẵng) cho biết chữ ký và chữ viết mang tên Phạm Ái Phúc và Trần Thị Lan trên tài liệu cần giám định với chữ ký viết trên tài liệu mẫu so sánh là không do một người ký và viết ra.
Vì vậy, kết luận chữ viết và chữ ký trên hợp đồng tặng, cho quyền sử dụng đất được UBND Phường Hòa Xuân chứng thực ngày 26/8/2008 ghi tên Phạm Ái Phúc và Trần Thị Lan là không phải do ông Phạm Ái Phúc và bà Trần Thị Lan viết ra”.
Từ kết luận giám định số 1138/GĐ-HS của Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an TP. Đà Nẵng) cho thấy, hợp đồng tặng, cho quyền sử dụng đất lập ngày 26/8/2008 được UBND Phường Hòa Xuân chứng thực thể hiện việc ông Phạm Ái Phúc và bà Trần Thị Lan tặng, cho ông Phạm Văn Hoàng Linh (SN 1989, trú tại tổ 5, Phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) và ông Phạm Văn Hòa (SN 1968, trú tại tổ 2, Phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) diện tích 192m2 đất ở tại thửa số 37, tờ bản đồ số 13, địa chỉ thửa đất tại tổ 5, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng là giả mạo.
Ông Phạm Ái Phúc chỉ mảnh đất bị thu hồi.
Tiền hậu bất nhất
Từ kết luận giám định số 1138/GĐ-HS của Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an TP. Đà Nẵng) nói trên, UBND Quận Cẩm Lệ đã chỉ đạo: “Đề nghị Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 2 Đà Nẵng hủy bỏ hồ sơ của ông Phạm Văn Hòa, Phạm Văn Hoàng Linh và nhập thửa lại cho ông Phạm Ái Phúc, bà Trần Thị Lan.
Yêu cầu UBND phường Hòa Xuân có văn bản hủy hợp đồng đã được chứng thực ngày 26/8/2008 theo số chứng thực 1053, đồng thời tiến hành làm rõ và xử lý những cán bộ đã có hành vi vi phạm trong việc chứng thực hợp đồng tặng, cho quyền sử dụng đất giữa ông Phạm Ái Phúc - bà Trần Thị Lan với ông Phạm Văn Hòa - Phạm Văn Hoàng Linh đã được UBND phường Hòa Xuân chứng thực ngày 26/8/2008”. Văn bản chỉ đạo do Chủ tịch quận Võ Văn Thương ký.
Những tưởng thông báo kết luận của Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ là văn bản pháp lý “bất di bất dịch”, ông Phạm Ái Phúc yên tâm chờ đợi, hy vọng kẻ giả mạo chữ ký, khai man giấy tờ sẽ được đưa ra ánh sáng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ sở hữu đất.
Tuy vậy, vụ việc rơi vào im lặng một cách khó hiểu. Ông Phúc lại tiếp tục long đong đi “gõ cửa” cấp có thẩm quyền cao hơn, gửi đơn khiếu nại lên UBND TP. Đà Nẵng.
Ngày 15/4/2016, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ra kết luận số 83/TB-VP chỉ đạo: “Yêu cầu Công an quận Cẩm Lệ mời ông Phúc làm việc và tổ chức giám định chữ ký của ông trong các đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (ngày 29/7/2016), UBND quận Cẩm Lệ ra Công văn số 781/UBND-VP giao Công an quận Cẩm Lệ mời ông Phúc đến làm việc, xác minh nội dung và tổ chức giám định chữ ký của ông trong các đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, Công văn số 23 của VKSND quận Cẩm Lệ (ngày 12/9/2017) và Công văn số 31 của Cơ quan CSĐT Công an quận Cẩm Lệ (ngày 20/9/2017), thì ông Phạm Ái Phúc rơi vào bế tắc, thất vọng tột cùng.
Nội dung 2 văn bản này đều đi đến kết luận như nhau: “Việc giám định chữ ký của ông Phúc tại các đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất và các đơn đề nghị tách thửa, hợp thửa đất không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hay thiệt hại gì đến quyền lợi hay thiệt hại của ông Phúc, các cơ quan tổ chức, cá nhân” và không có sự việc phạm tội xảy ra”.
Do vậy, cơ quan chức năng ra quyết định không khởi tố vụ án.
Phải chăng VKSND và Công an quận Cẩm Lệ đã phớt lờ tất cả các văn bản, chứng từ trong quá trình xử lý vụ việc suốt 10 năm của ông Phúc? Các thông báo kết luận trước đó của UBND TP. Đà Nẵng, UBND quận Cẩm Lệ chỉ là giấy loại?
Bức xúc, ông Phúc tiếp tục gửi đơn lên UBND TP. Đà Nẵng để khiếu nại việc Cơ quan Công an quận Cẩm Lệ không thực hiện đúng các văn bản chỉ đạo từ bên trên.
Ngày 07/5/2018, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành tiếp Công văn 3277 chỉ đạo Công an quận Cẩm Lệ báo cáo kết quả triển khai thực hiện trước ngày 15/5/2018.
Đến ngày 18/01/2019, qua tiếp nhận đơn khiếu nại của ông Phúc, kiểm tra hồ sơ thấy chỉ đạo tại Công văn 3277 của UBND TP. Đà Nẵng vẫn chưa được thực hiện, Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng đã phải ban hành tiếp Công văn số 188 để đôn đốc xử lý đơn.
Tiếp đó, ngày 22/5/2019, Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng tiếp tục chuyển đơn đến Thanh tra TP. Đà Nẵng nghiên cứu, tham mưu cho Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giải quyết theo quyết định. Có thể thấy đơn chồng đơn, văn bản kế tiếp văn bản nhưng vụ việc vẫn chưa được xử lý thỏa đáng.
Kiều Dình Liệu-Nguyễn Thị Thúy Hồng (Báo Luật sư Việt Nam)
Tin mới
- Đẩy đưa câu chữ ra tòa... - 05/08/2019 02:19
- Sắm quân phục, giả danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản - 04/08/2019 00:45
- Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Tân Châu, Tây Ninh bị bắt khi đang nhận hối lộ - 04/08/2019 00:30
- Bắt hiệu trưởng và khởi tố 3 cán bộ Trường đại học Đông Đô - 03/08/2019 07:02
- Chủ nhà thừa nhận hiếp dâm người làm khuyết tật 4 lần trong ngày - 03/08/2019 06:59
Các tin khác
- Chính quyền có bao che thì giải trí thác loạn mới tồn tại - 02/08/2019 03:24
- Xem xét kỷ luật 3 Giám đốc Sở ở Hòa Bình có con được nâng điểm thi THPT quốc gia - 02/08/2019 03:07
- Nghi ngờ vợ lấy 500.000 đồng, chồng ném con gái mới 7 ngày tuổi xuống giếng - 01/08/2019 01:39
- Hai cựu công an đột nhập kho tang vật 'cuỗm' 11kg ma túy - 01/08/2019 01:18
- Ai bán 4.200 tỉ đồng dung môi cho đại gia Trịnh Sướng làm xăng giả? - 31/07/2019 01:53