Chưa có bao giờ ngành giáo dục lại phải trải qua những chặng đường khúc khuỷu như năm nay. Mọi luật định, chính sách GD đều bị chi phối bởi những biến cố hết sức bất ngờ mà không ai có thể lường trước được, mang tên gọi Covid -19, bùng phát ở nơi nơi. Vấn đề thi hay không thi đã từng được đặt ra và giải quyết ổn thỏa thì nay khi Bộ GD-ĐT thông báo kế hoạch tựu trường ở các địa phương, lại một vấn đề khác đặt ra: việc quy định thời gian vào năm học mới liệu có hợp lý?
Bộ tiếp tục giao quyền chủ động sắp xếp cho địa phương
Còn đúng một tháng đến ngày tựu trường 5-9 như quy định hàng năm, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thời gian tựu trường năm học 2021-2022, tựu trường sớm nhất vào ngày 1/9; riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất từ ngày 23/8; tổ chức khai giảng vào ngày 5/9. Khung thời gian năm học mà Bộ ban hành áp dụng chung trên toàn quốc. Căn cứ vào khung này, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định cụ thể kế hoạch thời gian năm học tại địa phương, phù hợp với tình hình thực tế. Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh phía Nam đang gặp khó khăn do dịch bệnh, ngay bây giờ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có thể quyết định thời gian tựu trường muộn hơn khung, ví dụ 10-9 hay 15-9, thậm chí là sang tháng 10.
Cô trò đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vào năm học mới
Đến thời điểm này, nhiều phụ huynh, giáo viên đề xuất lùi thời gian khai giảng nhưng cũng có nhà trường sẵn sàng bắt đầu năm học mới với hình thức khai giảng và dạy học trực tuyến. Khi nghe thông tin, có những ý kiến cho rằng, việc dịch bệnh còn đang căng thẳng ở nhiều địa phương trong cả nước mà cho học sinh đến trường là không ổn. Còn nếu thực hiện dạy và học trực tuyến sẽ khó đối với cả giáo viên và học sinh tiểu học ở những địa bàn không có điều kiện.
Đa số cán bộ quản lý, giáo viên các trường đều tỏ ra ủng hộ thời gian tựu trường theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều tỉnh, thành phố lớn hay địa phương có điều kiện trong năm học qua như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí minh đã thực hiện khai giảng online, dạy học trực tuyến, bế giảng online hiệu quả . Nếu lùi thời gian năm học mới thì lùi đến bao giờ, khi không thể lường được tình hình dịch bệnh? Chuẩn bị tốt cả phương án dạy học trực tiếp và trực tuyến là cách tốt nhất để chủ động trong việc thực hiện kế hoạch năm học ở bối cảnh dịch bệnh.
Nhiều ý kiến sẻ chia và đồng thuận
GV Trần Thị Bích Ngọc ở THPT Lao Bảo-Quảng Trị cho rằng: "Tôi thấy học sinh có những trình độ khác nhau. Với học sinh trường chuyên khả năng tự học tốt thì việc học online là chuyện rất đơn giản. Nhưng rất nhiều học sinh trung bình và yếu, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa việc học trực tiếp trên lớp đã khó tiếp thu chứ nói gì đến việc online vì thế nếu địa phương không ở trong vùng dịch và điều kiện phòng dịch tốt thì nên tiên hành năm học bình thường"
Học sinh nhiều trường tại TP Hồ Chí Minh học online rất hiệu quả.
Trần Thị Hồng Hải trường THPT Lê Lợi, Đông Hà-Quảng Trị bày tỏ quan điểm: “Tâm lý chung của tất cả HS và GV đều mong ước được vào năm học mới một cách bình thường . Trong điều kiện địa phương không có dịch hay kiểm soát tốt phòng chống dịch thì cứ nên tiến hành năm học. Vì việc học online không chỉ gây khó khăn với học sinh mà giáo viên cũng gặp nhiều bất cập. Thường là một lớp phổ thông ít nhất cũng gần 40 em. Việc học ôn rất khó quản lí, vì không phải tất cả học sinh đều bật camere và tương tác tốt trong quá trình học. Nhiều em không bật camera vì lí do camera bị hư, hoặc máy tính không có camera nên GV không quản lí được học sinh. Giữa GV và HS có một khoảng cách rất lớn nên rất khó để nắm bắt hết các em có hiểu bài, có những cảm nhận gì.
Theo thầy giáo Mai Xuân Gia, GV Trường TPHT Chế Lan Viên, Quảng Trị, việc dạy học trực tuyến trong thời kì dịch bệnh Covid-19 nó sẽ giúp cho các địa phương vừa phòng tránh được sự lây lan của dịch bệnh vừa có thể theo kịp được tiến độ chương trình chung của Bộ. Nhưng việc dạy học trực tuyến cũng có nhiều khó khăn và bất cập, cụ thể là: Về phía HS: Thiếu các trang thiết bị cần thiết như điện thoại thông minh, máy tính có kết nối internet và camera,... đặc biệt là những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nếu việc sử dụng điện thoại thông minh để học trong thời gian dài vừa khó quan sát, vừa gây ảnh hưởng mắt, vừa làm cho nhiệt độ của điện thoại tăng cao có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ điện thoại. Việc tiếp thu của HS thông qua dạy học trực tuyến cũng sẽ hạn chế đi nhiều so với phương pháp dạy học thông thường. Hiệu quả của phương pháp dạy học này phần lớn phụ thuộc vào ý thức và năng lực nhận thức của HS. Về phía GV: Việc dạy học trực tuyến khó quản lí được học sinh vì khi học, giáo viên phải chia sẻ màn hình, khi đó không thể quan sát được hết tất cả học sinh tham gia học, đã có nhiều trường hợp học sinh vẫn đang kết nối nhưng lại không ngồi trước màn hình, cũng có trường hợp tên kết nối là học sinh nhưng người ngồi trước màn hình lại không phải là HS,... GV không thể vừa dạy vừa kiểm tra và điểm danh đối với tất cả HS được. Bên cạnh đó, việc kiểm tra đánh giá đối với HS cũng rất khó khăn, khó kiểm soát được HS. - Vì những lí do trên, trong trường hợp địa phương không có dịch hoặc kiểm soát tốt dịch bệnh thì nên tổ chức dạy học trực tiếp, điều này sẽ phát huy hết hiệu quả của công tác dạy học, những vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Với địa bàn trường vùng khó, điều kiện dạy học trực tuyến có nhiều trở ngại
Đứng ở phương diện một giáo viên có kinh nghiệm dạy học trực tuyến, và đại diện cho ý kiến các phụ huynh, cô Thái Thị Lê –GV trường THPT Hòa Vang nói lên suy nghĩ của mình: suốt cả một kỳ nghỉ hè, phụ huynh luôn mong đợi được cho con đến trường để học vì các em nghỉ đã quá lâu, mọi nề nếp học tập cần sớm được trở lại thành nếp. Ở những khoảng thời gian hết giãn cách, phụ huynh đều đưa con em tới nhà cô giáo gửi gắm việc học trực tuyến”.
Trước những ý kiến tỏ ra e ngại việc Bộ ban hành thời gian biên chế năm học hơi sớm, Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập mô hình trường MN-Tiểu học đa trí thông minh đã phát biểu: “Dịch bệnh đã diễn ra 2 năm nay và không biết chắc khi nào kết thúc, kể cả khi có vaccine thì cũng không có gì đảm bảo là không có biến thế mới. Giả sử dịch kéo dài hơn nữa thì không lẽ việc học tập dừng lại hoàn toàn. Việt Nam mình năm nay mới bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thế giới họ đã phong tỏa từ suốt năm ngoái đến năm nay và họ vẫn học tập bình thường thông qua hình thức trực tuyến. Họ không hề bàn chuyện dừng học hay là cho rằng "học trực tuyến không hiệu quả". Bởi vì từ lâu rồi, việc học tập trên thế giới không còn bị bó buộc bởi khái niệm đến trường và ở trong 4 bức tường. Các trường đại học hàng đầu thế giới họ đều mở ra các chương trình học trực tuyến hoàn toàn miễn phí cho mọi người, ai cũng có thể học với những người thầy giỏi nhất thế giới mà không còn phụ thuộc vào khoảng cách địa lý. Dừng đến trường không có nghĩa là dừng học”.
Trừ những nơi ảnh hưởng quá nặng, khó khăn cả về nhân lực và điều kiện dạy học trực tuyến, còn những địa phương khác ít chịu ảnh hưởng dịch bệnh vẫn có thể tổ chức dạy và học một cách linh hoạt nhiều hình thức.
M.C
Các tin khác
- Sự thật về tấm pin năng lượng mặt trời - 14/04/2021 05:53
- Bạo lực học đường: Cái giá của sự vô cảm? - 19/03/2021 02:35
- Những vấn đề "nóng" giáo dục tuần qua: Tiếng Hàn, tiếng Đức gây xôn xao - 07/03/2021 00:33
- CLIP: Nam sinh xông lên bục giảng tát cô giáo để đòi điện thoại, chửi bậy giữa lớp - 18/02/2021 07:08
- Tám địa phương cho học sinh nghỉ sau Tết - 15/02/2021 10:46