Chấm bài là môt khoa học đặc biệt. Thứ khoa học không chỉ chuẩn xác mà còn đòi hỏi cả độ nhạy cảm, tinh tế của trái tim. Khi căng thẳng , khó chịu ta không thể mở lòng với ai đó được, ngược lại, khi đã có tình yêu, ta sẽ thấy đầu óc dễ chịu, hung phấn…Và mực đỏ chấm bài là máu chảy từ tim vì lẽ đó.
Ngay từ ngày còn là một cô giáo trẻ mới ra trường, mỗi lần lên lớp, tôi luôn tâm niệm câu nói của người thầy tâm huyết lớp trước “Mực đỏ chấm bài là máu chảy từ tim”. Vì vậy, trong các công đoạn soạn bài, giảng bài, đánh giá và cho điểm học sinh, tôi cho vất vả nhất vẫn là khâu chấm. Chỉ cần một nhận xét sai, một điểm số chệch đi là hậu quả khôn lường. Tôi đã từng có một số truyện ngắn, bài thơ đăng tải trên Báo Giáo dục và Thời đại tỏ bày về nỗi niềm này. Lần thứ nhất cho học sinh điểm 2 môn Văn và vội mắng chửi em không thuộc bài, sau tình cờ mới biết mẹ em mới qua đời chưa qua 49 ngày, em một mình chăm sóc bà ngoại tai biến nằm một chỗ. Và tôi đã viết một mạch bài thơ “Một điểm hai để suốt đời trở trăn, suy nghĩ”. Một lần khác, cô giáo dạy Sử vào lớp ngổn ngang mối riêng tư, không tập trung vào bài giảng. Cô lật sổ điểm gọi một học sinh lên kiểm tra miệng và cho em điểm 1 vào sổ, dù em ngớ người ra về câu hỏi kiểm tra của cô lại ở bài kiến thức mới chưa được cô dạy. Tới khi cô ghi tiêu đề bài đã dạy tuần trước lên bảng, học sinh ồ cả lên, cô mới xấu hổ nhận ra chính mình nhầm lẫn. Câu chuyện bi hài về việc cô giáo dạy Sử cho học sinh điểm 1 oan đã được tôi viết trong truyện ngắn “Vô tâm”. Còn truyện ngắn “Nắng không màu” lại là sự phát hiện học trò bị oan trong một lần tôi phát hiện bài thi chấm chéo có sự chênh lệch quá cao. Trong khi tôi cho điểm 7 bài Tập làm văn thì một giám khảo khác chỉ cho em có 3 điểm. Đối chiếu để thống nhất số điểm cuối cùng, mới hay do chữ em xấu khó đọc nên bị giám khảo thứ hai kia…nhắm mắt phang đại điểm 3. Sau này khi trở thành một doanh nhân thành đạt, em học sinh mới tâm sự: “chữ em xấu là vì ngày còn nhỏ gia đình quá nghèo không sắm nổi bộ bàn ghế. Ngoài buổi học trên trường, chiều phải đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình, tối đến em mới gò lưng nơi góc phản để viết bài. Lần đầu tiên em được điểm 7 môn Tập làm văn, em cảm thấy mình có động lực”. Tất cả những nỗi niềm ấy làm tôi mỗi khi đặt bút chấm bài học sinh phải chi li, cẩn thận đến từng mili điểm. Với bài Tập làm văn, thường tôi chọn lúc nào đầu óc tỉnh táo, thư thái nhất để chấm. Và mỗi lần chấm không quá 10 bài. Ngay cả khi cho một học sinh nào đó 10 điểm, khi lên lớp tôi cũng đọc trước lớp giải thích vì sao bài này lại được 10 điểm mà bài khác chỉ có 9,5 điểm.
Khi dạy báo chí ở một số lớp của các trường ĐHKH Huế hay ĐHSP Đà Nẵng cũng vậy, tôi căn ke từng li từng tí, và công khai việc cho điểm trên lớp. Tôi muốn các em phải thấy được giá trị của sự công bằng, để khi vào nghề, trở thành phóng viên thật sự, các em có tư duy phản biện trước những bất công, ngang trái. Như thế, điểm số cũng là giáo cụ trực quan của dạy chữ-dạy người.
Chấm bài không chỉ là đặt bút cho con số khô khan trên đó. Dù bài làm của học sinh không có chỗ để trừ điểm, tôi vẫn cứ nhận xét cẩn thận. Để làm cho điểm số thật sự có hồn thì lời phê cũng phải có hồn. Qua đó, học sinh có thể buồn vì thấy lỗi của mình, lần sau làm bài tốt hơn, và thấy vui khi nhận ra mình tiến bộ hơn trước, có khả năng sáng tạo để đạt kết quả mỹ mãn.
Xin kể một câu chuyện vui, năm ấy Quảng Nam-Đà Nẵng chưa tách tỉnh, toàn tỉnh chấm thi chung tốt nghiệp tại ĐN, và tôi được điều làm tổ trưởng tổ Văn. Tổ của tôi có GV hầu hết là có kinh nghiệm được lựa chọn từ các huyện, thị trong tỉnh. Qua một ngày chấm, tôi xem xét lại bài và nhận thấy có GV chấm rộng rãi, có GV chấm vừa phải theo đáp án, lại có GV chấm quá chặt. Hôm sau, tôi quan sát kỹ một nam GV có biểu hiện chấm quá hẹp hòi, thấy quả nhiên khuôn mặt anh này lúc nào cũng khó đăm đăm. Tôi liền gọi riêng cô Lương Thị Ngọc Hà (GV Đại học SP Đà Nẵng) ra nhỏ to, thông cảm cho tôi phân chấm cặp với anh này để giúp anh “hạ nhiệt”. Xin được nói thêm cô Ngọc Hà có khuôn mặt khả ái, giọng nói dịu dàng, dễ nghe. Theo tôi nghĩ thì chỉ có những trái tim hóa đá mới không rung động trước vẻ đẹp như thế. Quả nhiên, ngày hôm ấy tôi thấy nét mặt nam GV chấm chung với cô cũng dịu hẳn đi, không những thế, khi tôi buông một câu pha trò, anh ta còn cười rất tươi nữa.
Như thế đấy, chấm bài là môt khoa học đặc biệt. Thứ khoa học không chỉ chuẩn xác mà còn đòi hỏi cả độ nhạy cảm, tinh tế của trái tim. Khi căng thẳng , khó chịu ta không thể mở lòng với ai đó được, ngược lại, khi đã có tình yêu, ta sẽ thấy đầu óc dễ chịu, hung phấn…Và mực đỏ chấm bài là máu chảy từ tim vì lẽ đó.
Nguyễn Thị Thúy Hồng
Tin mới
- Bộ Giáo dục công bố 96 ngành thí sinh được xét tuyển thẳng - 17/03/2019 00:22
- Vụ tiêu cực thi quốc gia tại Hòa Bình: Bài học đắt giá! - 16/03/2019 01:16
- Cấm người nặng trên 60 kg vào trường tòa án để làm gì? - 16/03/2019 01:08
- "Tâm thư" dễ thương của học trò Vĩnh Long xin cô cho kiểm tra lại - 15/03/2019 04:05
- Học viện Tòa án không tuyển nữ sinh trên 60 kg - 15/03/2019 03:53
Các tin khác
- Giáo viên với vai trò giữ lửa trong lớp học - 13/03/2019 01:31
- Một mô hình giao lưu văn hóa, giáo dục được đề nghị nhân rộng - 13/03/2019 01:24
- Tiến sĩ Stanford lý giải nguyên nhân học sinh chán học - 13/03/2019 01:17
- Tác giả bài thơ “Đánh thức tiềm lực” nói gì về đề thi Ngữ văn 2018? - 13/03/2019 01:10
- Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, đề xuất giải thể đại học vùng - 13/03/2019 00:57